Giỏ hàng

Tổng: 0 vnđ

Danh mục sản phẩm

Bài viết xem nhiều

CÁCH CHỮA “BỆNH” MÁY CÂU NGANG VÀ XỬ LÝ RỐI DÂY CỦA MÁY

Đăng bởi : admin / Ngày : 11/03/2021
CÁCH CHỮA “BỆNH” MÁY CÂU NGANG VÀ XỬ LÝ RỐI DÂY CỦA MÁY

Nghe máy kêu lạ, quay cũng không còn mượt như trước, thấy hoang mang. Con đường bảo trì, sửa chữa phía trước chắc sẽ gian nan lắm đây!
Sau một thời gian sử dụng, chắc chắn máy câu của bạn sẽ không còn được như thuở ban đầu. Hầu hết mọi rắc rối đều liên quan đến việc hư bạc đạn mà nguyên nhân chính là do bôi dầu mỡ không đúng cách, hoặc không bôi, hoặc lười bảo trì bị nước mặn làm hỏng.
Máy câu thời nay được trang bị bạc đạn bằng thép không rỉ chất lượng cao, nhưng chúng cũng sẽ hư nhanh nếu không biết cách chăm sóc. Đọc xong bài viết này, hy vọng bạn sẽ dễ dàng chẩn đoán các “căn bệnh” thường gặp của máy câu ngang.
 
BỆNH CỦA BẠC ĐẠN ỐNG DÂY

Lấy máy ngang ra, xoay cho ống dây quay và bắt đầu đếm thời gian nhớ là bạn đã tháo hết dây ra và chỉnh các má phanh về chế độ OFF sao cho ống dây được tự do hoàn toàn. Nếu bạc đạn ống dây còn tốt, ống dây sẽ quay khá lâu.
Nếu ống dây chỉ quay được một chút, hãy kiểm tra 03 bạc đạn sau:
  •  Bạc đạn trên đĩa phanh cuối trục ống dây
Đặt ống dây thẳng góc với phanh và chạm nhẹ vào ống. Bạc đạn còn tốt thì sẽ quay rất trôi chảy, không có tiếng ồn. Bạc đạn bị rỉ sét thì ống dây không quay, hoặc phát ra âm thanh rất lạ.
  •  Bạc đạn trong nắp máy
Lấy bạc đạn trong nắp máy ra và làm tương tự, chú ý lò xo và vòng đệm nhỏ màu trắng, chúng rất hay bật lên khi tháo.
  •  Bạc đạn trên trục ống dây
Dùng hai đầu ngón tay kẹp chặt bạc đạn ngoài và xoay ống dây một cách nhẹ nhàng. Bạc đạn tốt sẽ quay rất trôi chảy mà không có tiếng ồn.
Khi bạn kẹp chặt bạc đạn, ngón tay của bạn không nên chạm vào cái chốt trên trục hoặc ống dây. Nếu bạn thấy bạc đạn có sắc đỏ hoặc cam, chắc chắn là chúng đã bị rỉ và không còn hoạt động được nữa.
Nếu máy không câu nước mặn thì không cần kiểm tra bạc đạn thường xuyên. Phát hiện bạc đạn hư thì phải thay ngay.
 
BỆNH CỦA HỆ TRUYỀN ĐỘNG CÁC BÁNH RĂNG

Nếu bánh răng phát ra tiếng ồn và rung nhẹ khi thu dây: Việc đầu tiên là phải sửa 2 bạc đạn ở cuối trục ống dây. Sau đó, nếu ống dây của máy là ống SF SHIMANO hãy kiểm tra luôn bạc đạn ở bánh răng nhỏ.
Bạc đạn này nằm ở vị trí màu đỏ và được che chắn bởi một tấm kim loại mỏng. Do nằm ở vị trí này nên bạc đạn rất dễ bị hư vì nước, chính nó là thủ phạm gây ra tiếng ồn và cảm giác bị rung khi thu dây.
Nếu cảm thấy có vấn đề, hãy đặt bạc bạc đạn trên một cây bút và quay nhẹ để kiểm tra, đồng thời thay ngay nếu đã hư. Hãy tra mỡ vào bạc đạn này vì nó phải chịu sức chèn lớn từ bánh răng

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ DẦU MỠ

Chọn dầu: Dầu dạng xịt, WD40 chẳng hạn, quá lỏng, không phù hợp với bạc đạn. Khi xịt vào bạc đạn, dầu lỏng sẽ nhanh chóng bốc hơi, để lại những phiền toái cho bạn như sự mài mòn, rỉ sét.
Nên mua các loại dầu máy được cung cấp bỡi nhưng nhà chế tạo máy câu như Shimano hoặc Abu. Nếu chọn dầu lỏng thì phải tra dầu thường xuyên hơn. Chọn dầu đặc thì bánh răng và bạc đạn sẽ mượt lâu hơn nhưng quăng không “đã” bằng dầu lỏng.

TRÁNH RẮC RỐI BẰNG CÁCH NÀO?

1. ĐỌC SÁCH HƯỚNG DẪN TRONG HỘP MÁY
Với các loại máy ngang nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, sách hướng dẫn đều được thể hiện bằng tiếng Nhật. Tương tự, máy dành cho thị trường Mỹ và Châu Âu thì thể hiện bằng tiếng Anh.
Nội dung hầu hết là giống nhau, chỉ khác một điểm, đó là hướng dẫn bôi trơn. Các dòng máy dành cho dân câu Nhật chủ yếu được tra dầu còn Mỹ và châu Âu cùng phần còn lại của thế giới thì tra mỡ.

2. TRA DẦU/MỠ CHO MÁY CÀNG THƯỜNG XUYÊN CÀNG TỐT
Nếu bạn có thể đọc hướng dẫn bằng hình ảnh, bạn có thể đoán được nội dung hướng dẫn bạn làm gì. Với các dòng máy ngang (baicasting) của Shimano nhập trực tiếp từ Nhật, bạn nên bôi trơn bạc đạn ở cả hai đầu trục ống dây ít nhất ba chuyến một lần.

3. SỬ DỤNG DẦU PHÙ HỢP, LIỀU LƯỢNG THÍCH HỢP Ở TẦN SUẤT HỢP LÝ
Không phun dầu vào các bạc đạn đã được bôi mỡ, cũng không phun dầu vào các bộ phận bên trong máy. Dầu lỏng sẽ làm trôi mỡ trên bề mặt các cơ phận. Tương tự, nếu phun dầu lỏng vào hệ thống bánh răng, mỡ trên bánh răng sẽ bị đẩy đi và chúng bắt đầu “đánh” nhau.
Mỡ luôn được sử dụng cho bộ phận bánh răng, bạc đạn bánh răng, tay quay, khớp ly hợp, cùng hầu hết mọi bộ phận có chức năng trượt hoặc chuyển động.
Xin các bạn lưu ý, rằng dầu lỏng sẽ rút ngắn tuổi thọ của bạc đạn. Đối với bạc đạn nhỏ, chỉ cần tra một giọt, hoặc ít hơn là đủ. Nếu tra nhiều, dầu sẽ loang đến các bộ phận khác và làm hư chúng.

4. LÀM KHÔ – LÀM SẠCH
Làm khô máy sau khi sử dụng. Nếu chẳng may rơi máy vào trong nước, đừng dùng nó trước khi làm ráo nước hoàn toàn. Nước sẽ hòa trộn với mỡ và gây phiền hà nếu bạn sử dụng ngay. Bụi cũng làm hại đến máy.
Hãy giữ máy thật sạch. Nếu bỏ máy trên cát, sau đó thấy tay quay không quay, đừng cố ép tay quay. Các hạt cát xếp chồng lên nhau giữa các bánh răng, nếu cố quay sẽ hư cả hai bánh răng. Hãy mở máy ra và vệ sinh tất cả các bộ phận bên trong.

5. SAU KHI CÂU NƯỚC MẶN HOẶC NƯỚC PHÈN
Hãy rửa máy dưới vòi nước đang chảy. Không bao giờ ngâm máy trong nước. Tất nhiên là phải làm khô máy và bôi dầu/mỡ sau đó. Đối với máy đứng, bạc đạn ở con lăn dây sẽ hư trước, hãy rửa thật kỹ và tra dầu đặc/mỡ.

6. NÊN TỐN CHÚT TIỀN ĐỂ NÂNG CAO TUỔI THỌ CHO MÁY CÂU
Bạc đạn, bánh răng được thiết kế để thay thế khi cần. Việc bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và thay thế những thứ hư hỏng sẽ giúp chiếc máy “hên” của bạn ở với bạn lâu hơn, câu cũng tuyệt vời hơn!!!
 
CÂU MÁY NGANG HAY BỊ RỐI DÂY, PHẢI LÀM SAO?

Chắc chắn câu hỏi này luôn thường trực trong tâm trí của người mới tập câu máy ngang. Hiện tượng dây xổ tung, tụ một đám bù xù trong máy khiến người câu không ít bực tức khó chịu, thậm chí muốn quẳng nó đi cho khuất mắt.

Rối dây là một trong những “đặc tính cơ bản” của máy ngang, vì phải làm sao khi ống dây máy ngang buộc phải quay khi quăng để dây tuôn! Và khi con mồi bay ra, trước sức níu của không khí, của trọng lực, con mồi bay chậm lại. Mồi giảm tốc độ nhưng ống dây vẫn phải quay, dây vẫn phải tuôn theo vận tốc cũ.

Vậy là dây, thay vì ra khỏi đầu cần, sẽ tuôn ngược lại, tạo thành một “tổ chim” trong máy câu. Tuy chưa một hãng nào dám mạnh miệng tuyên bố là đã khắc phục hoàn toàn nhược điểm to lớn này của máy ngang nhưng ít ra họ cũng đã tìm ra được nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, đó là cho ra các loại phanh kiểm soát ống dây khi xả dây.
Và với câu thủ, để hạn chế dây dây rối, cần có một sự thông hiểu và biết cách sử dụng ba chức năng, trong đó có hai chức năng nằm trong máy câu và một thuộc về cơ thể của chính mình.

Chức năng thứ nhất: Kiểm soát xả dây của ống dây braking system
Để dễ diễn đạt hơn, người viết tạm gọi “braking system” là “phanh”. Xin đừng hiểu “phanh” theo nghĩa là bộ phận hãm sức chạy của con cá, một chức năng đã giao phó cho bộ phận hãm Drag system, phanh ở đây là bộ phận kiểm soát xả dây, một tính năng buộc phải có trong máy ngang để kiểm soát việc tuôn dây của ống chứa, ngăn hiện tượng xổ-rối dây khi quăng câu.

Hiện nay, tất cả các hãng chế tác máy câu ngang (baitcasting reel) đều ứng dụng một trong ba loại phanh đó là phanh ly tâm (hay còn gọi là ma sát), phanh từ và phanh kỹ thuật số, trong đó phổ biến nhất là phanh ly tâm, tiếp đó là phanh từ.

Phanh kỹ thuật số chỉ ứng dụng ở những dòng máy ngang đắt tiền. Dù là ứng dụng loại phanh nào thì mục đích cuối cùng vẫn phải đạt đó là ngăn chặn hiệu quả hiện tượng xổ dây khi quăng mồi.

MÁY NGANG SỬ DỤNG PHANH LY TÂM TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Nếu bạn đọc thấy một chiếc máy ngang mà ngang hông máy có một cái nắp đậy, khi tháo nắp sẽ thấy một mâm hình tròn trong đó có khoảng 6 thanh thép ngắn xếp xòe đều.
Mỗi thanh thép có gắn một má phanh nhỏ, di chuyển lên xuống được trên thanh thép. Đây chính là bộ phanh ly tâm, được đặt ngay đầu trục ống dây.

Khi người câu bắt đầu quăng dây ra, các má phanh hiện đang nằm ở vị trí gần trung tâm ống dây, sẽ bị chuyển động nhanh dần của ống dây đẩy trượt ra phía đầu thanh thép, tạo ma sát với vòng đệm trong của ống dây.

Ống dây càng quay nhanh thì má phanh càng bị đẩy sâu vào vòng đệm và vì thế làm giảm được sức quay của ống dây. Khi ống dây quay chậm lại, các má phanh, hoặc là giảm bớt được áp lực vào vòng đệm hoặc rơi trở lại vị trí sát tâm trục ống dây. Lúc này nguy cơ của việc rối dây đã qua, ống dây cũng tự do và đẩy mồi đi xa thêm.
Người dùng phải chủ động điều chỉnh các má phanh này để kiểm soát việc xả dây của ống dây bằng cách tháo nắp đậy bên hông máy, dùng tay kéo 4 trong số 6 má phanh trượt trên thanh thép nhỏ, ra khỏi vị trí trung tâm ống dây (đến vị trí ON).
Tùy theo yêu cầu xả dây mà người dùng sẽ quyết định cho bao nhiêu má phanh trượt đến vị trí ON, càng nhiều thì tốc độ ống dây càng chậm.

CÁCH NHẬN BIẾT MÁY NGANG SỬ DỤNG PHANH TỪ

Nếu như nhược điểm của loại phanh ly tâm được cho là phải mở nắp máy mới chỉnh được các má phanh đặt bên trong thì việc máy có trang bị phanh từ, chỉ cần điều chỉnh mức phanh ở ngay bên ngoài máy, sẽ là một điểm cộng quan trọng.
Về cơ chế, phanh ly tâm chủ yếu sử dụng lực ma sát của cơ khí để hãm tốc độ quay của ống dây, còn phanh từ trường sử dụng lực từ trường để tạo phản lực làm chậm sức quay của ống dây.

Ở các máy câu có trang bị phanh từ, bên hông máy có một bảng chia số nhỏ, một núm chỉnh gắn trên đó. Khi xoay núm này về một hướng sẽ làm cho các nam châm bên trong tiến gần đến ống dây.

Xoay núm ngược lại sẽ làm nam châm xa dần ống dây. Càng gần nam châm thì ống dây quay càng chậm, ngược lại, càng xa nam châm thì ống dây càng quay nhanh.
Nghe có vẻ rất tinh vi, thế nhưng, máy câu có phanh ly tâm lại có giá thành cao hơn máy dùng phanh từ, lý do là phanh ly tâm dễ chỉnh hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách chỉnh phanh thì cho dù dùng phanh ly tâm hay phanh từ, ống dây vẫn bị rối như thường.

PHANH KỸ THUẬT SỐ

Máy ngang nào có chữ DC trong tên máy đều có giá rất cao. Đó là dòng máy ngang Hi-End được trang bị bộ phận kiểm soát xả dây kỹ thuật số. DC là viết tắt của chữ Digital Control.

Máy có bộ phanh này có gắn chip điện tử cảm ứng, có khả năng phân tích tín hiệu và tự động chỉnh tốc độ quay của ống dây theo chu kỳ 1000 lần trong 1 giây để đảm bảo tối đa hóa tốc độ quay của ống dây song song với tối thiểu hóa việc dây bị rối.

CHỨC NĂNG THỨ HAI NÚT ĐIỀU CHỈNH TENSION

Tension là một nút tròn nhỏ nằm ở phía tay quay, có tác dụng điều chỉnh sức căng của ống dây. Xin quí vị đừng nghĩ bộ phận này là một trong những bộ phanh của máy ngang, nó chỉ là nút điều chỉnh tốc độ quay của ống dây theo trọng lượng của con mồi.
Nút này thậm chí không cần dùng đến vì đã có bộ phanh như đã nói ở trên. Nút này cũng không dễ chỉnh, vì nếu chưa có kinh nghiệm, dễ xiết chặt nút quá mức, ống dây không tương thích kịp gây rối dây, thậm chí hư máy.

Nếu như bộ phận phanh can thiệp vào giai đoạn đầu của tiến trình quăng, tức lúc dây chuẩn bị tung ra, thì mức tension được chỉnh để sử dụng vào giai đoạn cuối của cú quăng, nghĩa là khi con mồi ngưng lại chuẩn bị đáp xuống mặt nước mà ống dây vẫn quay.

Chỉnh nút tension được cho là đúng nếu trục ống dây ngừng quay cùng lúc với mồi ngừng bay khi nó chạm mặt nước. Người có nghề sẽ chỉnh nút này càng nhẹ càng tốt, tùy từng kiểu câu, kết hợp nhuần nhuyễn với ngón tay cái để mồi bay xa nhất có thể mà không bị rối dây.

CHỨC NĂNG THỨ 3 NGÓN TAY CÁI CỦA NGƯỜI CÂU

Phanh, nút “tension”, mỗi bộ phận đều đảm trách hoàn hảo một nhiệm vụ. Điều đó không có nghĩa là bạn nên để cho ngón cái mình được thảnh thơi, nhất là khi cú quăng bị quá đà hoặc một cơn gió bất chợt thổi tạt mồi về phía bạn, lúc này việc đặt ngón tay cái chạm nhẹ vào ống cước, ngăn không cho dây tuôn ra quá nhiều sẽ tuôn ngược lại gây rối, trở nên cần thiết và bắt buộc.

Ngón tay, hợp cùng với các thành phần khác trong hệ thống kiểm soát xả dây, quăng mồi, sẽ khiến cho việc câu máy ngang của bạn nhẹ nhàng, đỡ áp lực hơn.

QUY TRÌNH THỰC HIỆN CHỈNH PHANH

1. Chỉnh nút Tension chỉnh sức căng ống dây
Bất kỳ khi nào buộc mồi lure vào đều phải chỉnh nút Tension. Giữ cần câu theo hướng 10 giờ (góc 45 độ) và nới lỏng nút tension cho đến khi mồi lure rơi chậm xuống đất. Làm lại bằng cách ấn nút thumb bar, lắc nhẹ đầu cần để thả mồi xuống.
Giờ thì bạn đã cân chỉnh đúng trọng lượng mồi với mức xoay của ống dây.Mồi nên nặng ít nhất ½ oz (14g), chọn mồi plug casting hoặc loại nào tương tự, sẽ giúp bạn cảm nhận sự hòa quyện giữa cần và máy, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với điều đó.

2. Chỉnh phanh (chỉnh bộ phận kiểm soát xả dây:
+ Nếu máy có bộ phanh ly tâm, tháo nắp đậy bên hông máy vá kéo 4 trong số 6 má phanh trượt đến vị trí ON (xa trung tâm ống dây). Nếu chọn kéo 3 má phanh thì phân bố theo hình tam giác. Nguyên tắc là phân bố má phanh đồng đều, 1 ON thì 1 OFF.
+ Nếu là phanh từ, chỉ cần quay núm chỉnh, số càng lớn thì lực phanh càng lớn và ngược lại. Nên dùng khoảng 75-80% lực phanh của máy (khoảng hơn ½ bảng điều khiển).

3. Đặt ngón tay cái lên ống dây và ấn nút thumb bar để khởi động
Thực hiện quăng nhưng luôn nên dùng ngón tay cái rà dây phòng dây bị xổ ngược, nhất là khi con mồi đã chạm mặt nước.

Khi đã quăng thành thục, không rối dây, có thể chỉnh lại nút Tension bằng cách tiếp tục giữ cần ở góc 10h (45 độ), nới lỏng dần nút Tension cho đến khi mồi lure, rất chậm, bắt đầu rơi xuống (không nhún đầu cần). Khi mồi lure chạm đất, ống dây nên ngừng ngay lập tức.

Nếu không đạt được yêu cầu đó, hãy lặp lại việc chỉnh nút Tension cho đến khi ống dây ngừng cùng lúc với mồi đáp xuống nước. Câu được máy ngang, ngoài việc nắm được những kiến thức cơ bản, người câu còn phải cólòng kiên nhẫn và sự tự tin.

(sưu tầm)