Giỏ hàng

Tổng: 0 vnđ

Danh mục sản phẩm

Bài viết xem nhiều

CÂU CÁ THEO MÙA CHUẨN TỪNG CEN – TI – MÉT (PHẦN 1)

Đăng bởi : admin / Ngày : 26/02/2021
CÂU CÁ THEO MÙA CHUẨN TỪNG CEN – TI – MÉT  (PHẦN 1)
 
Mọi yếu tố về thời gian, không gian thời tiết đều tác động đến con cá, đều tác động đến việc cá có cắn câu hay không. Hiểu và xác định đúng thời gian tốt nhất để câu cá đòi hỏi người câu phải có nhiều sự tìm tòi, nghiên cứu về các vấn đề liên quan giữa cá và thời tiết.

I. Cách Chọn Thời Gian Câu Các Mùa Trong Năm

Một năm có 4 mùa, với mỗi mùa thì đặc điểm thời tiết khí hậu khác nhau, như vậy cũng ảnh hưởng tới giờ đi ăn của cá, vậy thời điểm nào câu cá chuẩn nhất giữa các mùa, cùng tìm hiểu nhé.

1. Câu Cá Mùa Xuân

Sáng sớm: Cá không cắn câu do nước chưa được mặt trời sưởi ấm nhưng cũng đừng vì thế mà thất vọng. Mùa Đông đã kết thúc cá sau một thời gian dài trú đông rất cần thức ăn.
Xuân đến cũng là mùa sinh sản của chúng. Tốt nhất là chờ đợi cho đến khi nhiệt độ nước đạt khoảng 39,2 độ F.
Cuối buổi sáng và đầu buổi chiều: Cá đã ra ngoài tìm thức ăn nên cơ hội câu cá rất lớn. Chúng thường bơi dọc ven bờ do nước ở khu vực đó ấm áp và có nhiều thức ăn.
Chiều và đầu buổi tối: Cá hoạt động mạnh do mặt nước được mặt trời chiếu rọi nên rất ấm.

2. Câu Cá Mùa hè

Sáng sớm và chiều muộn: Từ lúc mặt trời mọc cho đến giữa buổi sáng là thời giancâu cá tuyệt vời. Nguồn thức ăn cũng rất phong phú, do đó, tìm được con cá đói ăn mồi thời gian này cũng là một thách thức.
Cuối buổi sáng, đầu buổi chiều: Thời gian này cá ăn chậm nhất trong ngày do chúng có xu hướng di chuyển xuống mức nước sâu hơn để được mát mẻ.
Chiều và đầu buổi tối: Câu cá tuyệt nhất lúc mặt trời bắt đầu xuống núi cho đến lúc bóng tối bao trùm. Nước trên bề mặt đã mát hơn, nên cá sẽ trồi lên kiếm ăn trên bề mặt.

3. Câu Cá Mùa thu

Sáng sớm: So chưa có nắng, nước vẫn còn lạnh, cá không cắn câu nhiều.
Cuối buổi sáng đến trưa: Cá tìm kiếm thức ăn do nước đã ấm hơn, đặc biệt là khu vực nước cạn. Nhìn chung nước mùa này rất mát mẻ.
Chiều và đầu buổi tối: Thời gian này là tuyệt vời, mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu trong nhiều giờ liền nên nhiệt độ nước rất thuận lợi, nhất là khu gần bề mặt chính điều này giúp cho việc câu cá rất tốt. Cá cũng rất cần tăng lượng mỡ dự trữ cho mùa Đông sắp đến nên tích cực đi tìm mồi. Hãy tìm loại mồi lớn để bắt cá lớn.

II. Hiểu Về Cách Trao Đổi Nước Từng Mùa

Hiện tượng trao đổi nước xảy ra giữa lớp nước ở bề mặt và đáy hồ, quá trình này diễn ra hai lần một năm vào mùa xuân và mùa thu. Từ mùa xuân đến mùa thu, nước ấm từ bề mặt di chuyển xuống phía đáy và nước lạnh từ đáy hồ chuyển lên bề mặt.
Nếu nắm bắt được thông tin này, cộng thêm kiến thức về các loại cá cũng như thói quen cư trú của chúng chắc chắn sẽ giúp người câu trở thành cao thủ trong câu cá.

1. Trao đổi nước trong mùa xuân

Khi Xuân về, nước trên bề mặt bắt đầu ấm lên và bắt đầu chìm xuống thay thế cho nước lạnh ở dưới đáy khi đạt đến 39 độ F. Sự trao đổi này tiếp tục cho đến khi nhiệt độ nước trong toàn hồ như nhau.
Vào giai đoạn đầu của quá trình này, cá sẽ ở lại khu vực bề mặt do khu vực này nước hồ ấm, đây cũng là nơi mà thảm thực vật mùa xuân bắt đầu tăng trưởng.

2. Trao đổi nước trong mùa hè

Suốt mùa hè mặt trời làm cho nước ở bề mặt nóng lên, nhưng nước không chìm mà tác động tạo nên một hiện tượng gọi là phân tầng, xếp một lớp nước ấm lên trên một lớp nước lạnh.
Cá thường thích vùng nước mát nhưng chúng cũng cần lượng ô xy cao có nhiều trong nước ấm do đó, chúng sẽ di chuyển đến khu vực giữa hai cấp độ nước ấm và lạnh, cách mặt nước từ 2-10 Feet tùy theo kích thước của hồ.
Điểm cá ăn mồi tốt nhất là điểm mà cá sẽ cảm thấy ấm hơn nhưng chúng phải cảm thấy dễ dàng chuyển nhanh xuống vùng sâu hơn, mát hơn và an toàn hơn.

3. Trao đổi nước trong mùa thu

Mùa thu không khí rất mát mẻ, se se lạnh nên nhiệt độ nước thấp. Khu bề mặt hồ nước rất mát và mát hơn phần đáy hồ. Gió mùa thu cũng rất mạnh mẽ đẩy nước đi khắp mặt hồ giúp cho quá trình trao đổi nước diễn ra.
Quá trình này diễn tiến trong một khoảng thời gian nên nhiệt độ nước và mức ô xy trong nước của toàn bộ hồ đồng đều khiến cho cá thích di chuyển xung quanh hồ một cách rất thoải mái. Quá trình này sẽ kết thúc khi trời trở lạnh, và nước trên bề mặt trở nên lạnh giá.

4. Nhiệt độ nước và quá trình trao đổi nước

Các nghiên cứu cho thấy mỗi loài cá cư trú ở một nhiệt độ nước khác nhau. Nếu biết kết hợp giữa sự hiểu biết về nhiệt độ cư trú mà từng loài cá ưa thích và hiện tượng trao đổi nước thì người câu sẽ tìm ra được chính xác nơi cư trú của cá vào từng thời điểm cụ thể trong năm.
Có nhiều ý kiến cho rằng: Cá thích nước ấm sẽ tìm mồi trên bề mặt vào mùa hè và dưới đáy vào mùa thu. Và cá thích nước lạnh tìm mồi ở mực nước sâu vào mùa xuân và trên bề mặt vào mùa thu. Tuy vậy, không nên quá phụ thuộc vào điều này, cá là loài luôn luôn khó nắm bắt.

III. Kinh Nghiệm Tính Nhiệt Độ Của Nước Khi Đi Câu Cá

Nhiều ngày nóng bức liên tục vào mùa hè có thể làm cho cá trong hồ, ao hay sông trở nên chậm chạp và lờ đờ. Hiện tượng này cũng xảy ra vào mùa đông khi nhiệt độ nước thấp. Vì sao?

Vì cá là loài động vật máu lạnh, nhiệt độ cơ thể chúng không ổn định như ở người và các loài động vật máu nóng khác. Do đó, nhiệt độ của môi trường xung quanh ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể cá. Nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp đều làm giảm lượng oxy trong nước khiến cho con cá uể oải, lười hoạt động.
Vì vậy cá sẽ chậm cắn câu khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Hiểu thêm điều này, người câu sẽ tìm ra được loại mồi câu hay mồi giả nào phù hợp để sử dụng cũng như chọn cách rê mồi nhanh hay chậm để buộc con cá phải hoạt động. Lời khuyên là: Hãy rê mồi chậm rãi khi câu nước lạnh và rê nhanh khi nước ấm.

Ánh sáng

Cá thích buổi sáng sớm và chiều tối hơn là buổi trưa do nắng trưa thường khá gay gắt. Nắng sớm, đặc biệt là cuối buổi sáng, làm cho nước vùng bề mặt ấm áp khiến cá có hứng thú đi tìm thức ăn.
Điều này đặc biệt đúng vào thời gian đầu mùa xuân trong vùng nước nông hay vùng đáy tối hoặc đáy có nhiều bùn vì vùng đáy tối hấp thụ nhiệt nhanh hơn vùng đáy cát sáng.
Nhiệt độ nước ấm làm cho con cá mồi nếu câu mồi sống hoạt động nhiều hơn và có thể tạo ra một trò chơi mèo vờn chuột với con cá săn mồi trong ngày đầu xuân mát mẻ. Vào những ngày nắng nóng, cá di chuyển đến khu vực mát ở vùng nước sâu hơn và ở lại đó.
Dùng loại mồi giả nước cạn mồi bề mặt hay mồi sống vào lúc sáng sớm và cuối buổi chiều là tốt nhất, khi đó nhiệt độ và ánh sáng thấp nên cá thích dạo quanh trên bề mặt để tìm thức ăn.
Buổi trưa nhiệt độ nước trên bề mặt cao, lượng ô xy trong khu vực này cũng giảm, thỉnh thoảng lại có gió làm loang nước nóng ra khắp hồ khiến cá có xu hướng chui sâu xuống đáy. Lúc này, thẻo mồi sống câu đáy hay mồi giả lặn sâu là tốt nhất.
Cứ quan sát sẽ thấy thời gian trong ngày, ánh sáng, thời tiết ảnh hưởng đến câu cá như thế nào.

Các điều kiện thời tiết khác

Gió
Gió đóng vai trò quan trọng trong câu cá. Gió đẩy nước và nguồn thức ăn nổi trên mặt nước ra xa bờ và cá sẽ theo sau. Do vậy nếu người câu câu cá ở bờ biển hay hồ lớn trong một ngày nhiều gió, hãy quăng mồi theo gió nơi có khả năng cá tụ.

Bão
Bão và sự thay đổi thời tiết ảnh hưởng đến câu cá. Nhiều loài cá tăng cường tìm kiếm thức ăn trong nhiều giờ ngay trước khi có một đợt lạnh, nhưng ăn chậm trong suốt thời gian có bão, kể cả vài ngày sau bão.
Câu cá sau đợt lạnh thường rất ít cá. Tình trạng này kéo dài 1-2 ngày sau đó, thời tiết ấm áp làm cho nhiệt độ nước ở bề mặt tăng lên khiến cá năng nổ đi tìm mồi.
Điều này đặc biệt đúng vào mùa Đông, khi có chút ấm áp xen vào, những con cá uể oải lười biếng tích cực săn mồi hẳn lên. Điều tích cực này chỉ xảy ra ở trên bề mặt ấm áp.

Mây
Ngày có mây cải thiện được tình hình câu cá, do mây che bớt nắng gay gắt tỏa xuống mặt nước. Bầu trời âm u khiến cá tích cực tuần tra tìm kiếm thức ăn hơn, chúng thích đi lang thang khắp hồ nước trong khi ngày nắng đẹp, trời trong ít mây cá có xu hướng ẩn náu gần các khu vực có vách che chắn.

Mưa
Một cơn mưa nhẹ đến trong buổi câu sẽ rất tốt, đặc biệt là mưa mùa xuân hay mùa hè. Mưa khiến cá khó thấy người câu do mặt nước lăn tăn che phủ tầm nhìn của cá nên đỡ nhát. Điều này rất hiệu nghiệm khi câu bờ, câu lội người câu lội xuống nước để câu hay câu thuyền.
Mưa cũng mang theo côn trùng thức ăn vào nước, dễ tạo ra một cuộc chè chén cho cá nên chúng thường có thói quen đi tìm mồi khi mưa xuống. Nhưng mưa lớn thì cá ít cắn câu, do mưa lớn gây khó khăn cho cá khi đi tìm mồi và dòng chảy của nước cũng mạnh có thể gây tắc mang cá.
Lưu lượng nước tăng do mưa hoặc do bất kỳ điều gì, làm thay đổi lượng nước so với hiện tại, đều gây khó khăn cho loài cá sinh sống tại đó. Mực nước cao cũng có thể tạo ra các ghềnh thác, sóng và sự bất an cho cá.

Sét
Khi có sét hoặc khả năng sẽ có sét hãy ra khỏi nước ngay lập tức, cho dù bạn đang lội trong nước, đang đi thuyền hoặc ở trên bờ. An toàn là trên hết. Thêm vào đó, không có cách nào có thể bắt cá trong cơn bão.

Thủy triều
Thủy triều nâng nước lên cao và hạ nước xuống thấp hai lần một ngày có ảnh hưởng đến nơi cư trú cũng như cách thức tìm kiếm thức ăn của cá. Thời gian thủy triều lên xuống cũng thay đổi mỗi ngày và mỗi nơi một khác, nhất là khu vực ven biển.
Khi thủy triều lên cao, cá thường ở lại khu vực nước cạn, đây cũng là điểm câu lý tưởng trong thời gian thủy triều cao. Một bãi lầy chỗ lõm nhẹ ở đáy là hoàn hảo cho loại cá ăn đáy trong thời gian thủy triều xuống thấp nhưng lại trở nên quá sâu và khó khăn để câu khi thủy triều lên cao.
Thủy triều lên hoặc xuống giúp mồi di chuyển và thúc đẩy quá trình tìm kiếm thức ăn ở những loài cá sống ven biển.
Sự thay đổi của thủy triều, thời gian trong ngày hay vị trí đều rất quan trọng đối với người câu câu cá ở khu nước lợ, loại nước hình thành nên từ sự kết hợp giữa nước mặn và nước ngọt, trong khu nước lợ có cả cá nước mặn và nước ngọt sinh sống.
Nước lợ được tìm thấy ở hầu hết các con lạch (nhánh sông), các con sông dọc theo bờ biển và luôn bị tác động bởi sự lên và xuống của thủy triều.
 
Nói chung, câu cá tốt nhất là lúc thủy triều lên hoặc xuống, nước đứng ít hoặc không di chuyển thường kém hiệu quả.
Xác định đúng thời gian tốt nhất để câu cá đòi hỏi phải cần rất nhiều sự tìm tòi, nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến cá cũng như tình hình thời tiết ngày hôm đó. Đọc báo địa phương và đến giao lưu với các cửa hàng bán đồ câu trong vùng để có thể có thông tin chính xác về thủy triều.

(Sưu tầm)